[TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY] NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ – NGUYỄN TUÂN

Ngày 28/11/2020 19:35:29, lượt xem: 9528

[TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY] NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ – NGUYỄN TUÂN

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân được biết đến là một cây bút tiên phong với sự nghiệp sáng tác vô cùng đồ sộ và độc đáo. Trước Cách mạng tháng 8, ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại qua tập “Vang bóng một thời”. Sau Cách mạng, ông vẫn tiếp cận thế giới, con người, thiên nhiên về văn hoá, nghệ thuật. Nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả nhân dân đại chúng. Tác phẩm Người lái đò sông Đà là tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này, tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên vừa hùng dũng, kỳ vĩ lại vừa nên thơ, trữ tình cùng hình ảnh con người lao động bình dị mà tài hoa nơi núi rừng Tây Bắc. Thông qua tác phẩm, Nguyễn Tuân còn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên và con người lao động cũng như một tình cảm đặc biệt dành cho vùng cao Tây Bắc. Tiếp tục với “Tuyển tập kết bài hay”, hôm nay Học văn chị Hiên sẽ cùng các em viết kết bài cho tác phẩm này nhé!

KB1:

Một Sông Đà, một Nguyễn Tuân - một thiên nhiên dữ dội, một người nghệ sĩ tài hoa. Tùy bút của Nguyễn Tuân chân thực mà hấp dẫn là vậy. Đọc từng dòng văn, ta như được tự mình trải nghiệm trong không gian Tây Bắc, được gặp và chiêm ngưỡng cái tài hoa của những con người nơi đây. “Người lái đò Sông Đà” là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước thiết tha, say đắm của một người nghệ sĩ muốn dùng văn chương để khắc họa vẻ đẹp kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng, và nhất là tài năng của những người lao động bình dị. Sự đầu tư nghiêm túc, công phu và tâm huyết cho nghệ thuật của Nguyễn Tuân thật khiến ta khâm phục. Phải chăng đó chính là cái độc đáo tài hoa của Nguyễn Tuân - cái điều mà ông vẫn quan niệm “đã viết văn thì phải viết cho hay, cho đúng cái tạng riêng của mình. Văn chương cần sự độc đáo hơn bất kì một lĩnh vực nào khác....”.

KB2:

“Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” (K. Pautopxki). Với tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”, ngòi bút của Nguyễn Tuân như nở hoa trong sự hoà phối diệu kì giữa cái đẹp của ngôn từ và ánh sáng tuyệt mĩ của chiều sâu hình ảnh, dẫn dắt người đọc đến với vẻ đẹp hung bạo mà trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc, nhất là vẻ đẹp “vàng mười” nơi tâm hồn con người mà nhà văn tập trung khắc họa qua hình tượng người lái đò. Văn chương của Nguyễn Tuân đã mang đến cho chúng ta một chân trời huyền bí riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo. Đó là chân trời của cái đẹp, của sự tài hoa và uyên bác…

Mong rằng, qua những kết bài trên đây của Học văn chị Hiên sẽ giúp các bạn viết nên những kết bài của riêng mình và sẽ có kết quả cao nhé. Theo dõi thêm nhiều bài học và kiến thức bổ ích qua: Học văn chị Hiên.

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên – Hơn cả một bài văn

Tin liên quan